Tại sao phải sang tận Philippines để học tiếng Anh? Ở Việt Nam thiếu gì trung tâm mà sang Philippines cho tốn kém?

Dưới đây là chia sẻ của bạn Cao Thị Hải Yến, một trong những học viên tạm trú dài hạn của Trường Anh ngữ CELLA (6 tháng), với những kinh nghiệm và bí kíp sẽ hỗ trợ được các bạn rất nhiều trong việc du học tiếng Anh tại Philippines.

Hải Yến (link Facebook: https://www.facebook.com/yen.cao305) hiện chỉ còn khoảng 2 tuần cuối và bạn đã 2 lần được Top 1 tại Uni campus, chúc bạn cuối tháng này giữ vững phong độ và đạt Top 1 một lần nữa trước khi tạm biệt CELLA nha ❤️

Lưu ý: Bài viết có nội dung 18+, các bạn đọc kỹ sẽ phát hiện được nhé 😜

Đi học Tiếng Anh ở Philippines

Hôm nay, mình xin hoàn thành một nhiệm vụ với Tổ quốc là chia sẻ thông tin về việc đi học Tiếng Anh tại Philippines sau gần 6 tháng tham gia khóa học tại đây. Qua bài viết này, mình muốn thể hiện một số quan điểm, cũng như kinh nghiệm của mình về việc đi học Tiếng Anh ở Philippines cho những bạn đang quan tâm và có ý định đi với mong muốn giúp các bạn đưa ra quyết định đúng đắn cho sự đầu tư của mình. Nội dung bài viết này sẽ đề cập đến:

– Việc mình quyết định qua Philppines học Tiếng Anh;
– Chất lượng giáo viên;
– Thời gian khóa học nên đăng kí;
– Cách học thế nào để tiến bộ; và
– Một số lưu ý không liên quan đến chuyện học.

Mình không quảng cáo cho trường mình đang học nên mình xin không đề cập đền cơ sở vật chất, chính sách và cách quảng cáo của trường cũng như chi phí học tập.

1. Tại sao phải sang tận Philippines để học Tiếng Anh? Ở Việt Nam thiếu gì trung tâm mà sang Philippines cho tốn kém?

Nói chung là mình rất ngán trả lời câu hỏi này, vì mình tin rằng khi bạn nghĩ đến giải pháp qua Philippines học Tiếng Anh, dù tốn kém, nhưng bạn cũng đã có ý kiến của riêng mình về việc học Tiếng Anh cả ngày trong môi trường học tập Anh Ngữ 100% thì sẽ hiệu quả hơn việc ngày học 1.5 tiếng, tuần 7 buổi hay không, ngay cả tại các trung tâm nổi tiếng và đắt đỏ.

Nhìn chung, tiền học 1 ngày khoảng 1 triệu, dao động còn tùy loại khóa học. Hơn nữa, mô hình học với ăn ở sinh hoạt khép kín, ngày ăn 3 bữa có người chuẩn bị sẵn rồi rửa chén cho, phòng 1 tuần có người dọn cho, quần áo cũng có người giặt cho. Nói tóm lại là chỉ có ăn rồi học rồi ngủ, tiến bộ hay không, lên trình nhiều hay ít thì phần lớn là do nỗ lực và ý thức của các bạn. 😉

2. Chất lượng giáo viên

Theo ý kiến của mình, accent của người Filipino dễ nghe hơn người Singapore và Indian. Theo mình biết, accent của Filipino là gần với accent Mỹ ở vị trí thứ 3 trên thế giới. Còn mình nhắc đến hai quốc gia kia vì trong Châu Á, đây là 2 quốc gia có sử dụng Tiếng Anh đại trà.

Điều mình quan tâm nhất khi chọn đi học Philippines là giáo viên nói có dễ nghe hay không, có gần với giọng Anh Mỹ hay không. Cái này mình thấy mấy agencies ở Việt Nam chưa đưa thông tin vào các bài PR. Trước khi đi mình tìm hiểu thông tin này mà không thấy trang nào đăng bài liên quan. Mình có lên YouTube tìm cũng ra mấy bài nghe người Filipino nói Tiếng Anh nhưng thực tình lúc đó nghe xong mình vẫn còn đôi chút hoang mang. Xong đến đoạn sang đến sân bay nước người ta thì nghe được tiếng không lại hoang mang thêm tập 2, dù đã được chị Vietnamese Student Manager “cảnh báo” cho trước rồi. Nhưng, chất lượng giáo viên thì tất nhiên khác hẳn Tiếng Anh sân bay và kết quả là mình khá hài lòng.

Mình từng tự hỏi là tại sao người dân đất nước này có thể nói Tiếng Anh tốt hơn nhiều nước khác trong Châu Á. Thì câu trả lời, theo quan điểm của mình, có 2 ý chính là: thứ nhất, ngôn ngữ mẹ đẻ của họ cũng sử dụng chữ cái Latin như Tiếng Anh nên việc phát âm dễ hơn so với các nước dùng kí tự tượng hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc – về giác độ này Việt Nam mình cũng có lợi thế tương tự.

Thứ hai, quan trọng hơn, là trẻ con ở đây được tiếp xúc với Tiếng Anh thì kindergarten – bằng với như mẫu giáo của Việt Nam vậy. Từ elementary – tầm bằng lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở của Việt Nam, thì các bạn ấy được học Sách giáo khoa cho hầu hết tất cả các môn học bằng Tiếng Anh. Chứ không phải như ở Việt Nam, mình có một bộ môn là môn Tiếng Anh và thậm chí nhiều trường còn dạy Tiếng Anh bằng Tiếng Việt. Bạn tin không, thầy giáo của mình còn giỏi Tiếng Anh hơn chính tiếng mẹ đẻ. (Người trong video minh họa cho bài viết này là Thầy giáo mình)

https://www.facebook.com/plugins/video.php?href=https%3A%2F%2Fwww.facebook.com%2Fyen.cao305%2Fvideos%2F1855840181168795%2F&show_text=0&width=267

Đấy, mình đã kể cho các bạn về những trải nghiệm của mình trong việc hiểu ra accent của người Filipino như thế nào và nhờ đâu mà có.

3. Thời gian khóa học các bạn nên tham gia

Theo mình, các bạn khi quyết định qua nước ngoài để học Tiếng Anh và muốn có môi trường luyện tập sống động, thì nên đi ít nhất 3 tháng trở lên tùy trình độ, mới thực sự có được sự thay đổi đáng kể. Đi 1 hoặc 2 tháng, mình thấy hơi phí tiền. Bởi vì, hầu hết các bạn ở 1 đến 3 tháng khi được mình hỏi là mày có thấy hài lòng, thấy tiến bộ nhiều không thì toàn nói là tao có thấy tiến bộ nhưng không đáng kể lắm và tao muốn ở lại học thêm cơ.

Về lộ trình tiến bộ của mình thì:

– Tháng đầu tiên: mình tiến bộ rõ rệt so với lúc mới sang. Vì sao? Vì mình nói nhiều như một con điên =)) kể từ ngày đầu tiên bước chân vào trường. Ở Việt Nam, công ty mình từng làm là công ty nước ngoài, không thiếu cơ hội cho mình thực hành Tiếng Anh nhưng mình cứ sợ sai, sợ quê nên mở miệng trả lời một câu chào đơn giản như “How are you” cũng làm mình thấy ngượng ngùng bối rối. Mặc dù, kết quả kiểm tra đầu vào của mình chỉ ở mức elementary thôi.

– Tháng thứ hai: tự nhiên mình thấy chững lại. Mình bị ám ảnh bởi cái sự không thấy bản thân tiến bộ nên mình truyền sự ám ảnh sang cho thầy cô bằng câu hỏi là thầy cô có thấy em tiến bộ không? Hết tháng thứ hai, mình ở mức pre-intermediate.

– Tháng thứ ba và thứ tư: mình lại có cảm giác vì sự tiến bộ của mình. Trong hai tháng này, mình ở mức intermediate và có sự tăng về điểm số qua từng bài kiểm tra cuối tháng.

– Tháng thứ năm: mình lại thấy mình chững lại. Nhưng kĩ năng nghe và viết thì mình tự thấy lên đáng kể, nó cũng được chứng minh qua kết quả kiểm tra. Mình vẫn ở mức intermediate nhưng đã gần chạm mốc Upper-intermediate rồi.

– Giờ là tháng thứ sau: chắc quanh mức Upper-intermediate.

Tại sao mình lại trình bày dài dòng vậy? Vì mình muốn chia sẻ với các bạn về sự tiến bộ và sự tự đánh giá chính mình mà các bạn có thể gặp phải. Lộ trình đi cũng không phải cứ bước đều bước qua các tháng. Giống như leo một đoạn dốc thật dài rồi thì mình sẽ có một quãng hơi bằng để vừa đi vừa thở, để cái sự tiến bộ của mình nó được chắc chắn hơn.

4. Làm thế nào để học hiệu quả

Đầu tiên và tiên quyết là các bạn phải học phát âm cơ bản, như làm sao phát âm a, ă, â trong Tiếng Việt á.

Mình không chia sẻ cách học của mình vì thực ra chỉ có duy nhất tháng đầu tiên mình vùi đầu vào sách vở thôi sau những tiết học trên lớp thôi. Nhưng khi bạn biết phát âm rồi, thì bạn có thể biết phát âm từng từ một khi dùng từ điển. Hoặc khi bạn nói sai, thầy cô chỉnh, các bạn sẽ tự nhận ra mình sai ở chỗ nào và tự sửa lại. Càng nắm rõ lý thuyết về phát âm, bạn càng tiết kiệm được lộ trình học. Về học phát âm, bạn có thể tham khảo và đăng kí học hoặc tự học tại:

  1. Trung tâm EZAP, khóa học phát âm tầm 2 tháng, nơi mình đã từng học khoảng 3 năm và mình rất hài lòng.
  2. Bạn Phương Uyên một người bạn của mình, dạy phát âm tốt, cũng từ lò EZAP ra, nhưng bạn ý có năng khiếu hơn mình. Nhưng mình không biết là giờ bạn ý có nhận dạy thêm hay không.
  3. Lên YouTube, tìm Dan Hauer và Playlist dạy cách phát âm.

Thứ hai, chắc chắn bạn cần lộ trình cụ thể cho chính mình. Cái này thì mình nói thật là các thầy cô không guideline cho mình được. Rất buồn là bạn phải tự biết mình muốn gì và sẽ làm gì qua các tháng. Mình tiến bộ thêm 1 bậc, mình sẽ học gì tiếp và làm gì tiếp thì các bạn phải tự làm chủ. Tất nhiên là, như ở trường mình, hết sách tập 1 thì sẽ có sách tập 2 nhưng mình phải tự chọn tài liệu phù hợp cho mình. Hết quyển này thì mình cần học theo quyển nào tiếp – bạn phải tự giải quyết. Nói chung, đây là điều không thuận lợi cho những bạn học dài hạn.

Thứ ba, học bên này là học thật thi thật. Nên dù bạn có sai một lỗi nhỏ trong cách phát âm (lỗi thường gặp của người Việt là thiếu “s” hoặc phát âm lẫn lỗn /x/ nhẹ với /s/ nặng, /tr/ nặng thành /ch/ nhẹ… mình kí hiệu theo cách phát âm Tiếng Việt cho các bạn dễ tưởng tượng). Nói đến đây, chính ra mình thấy nếu đánh vần theo cách học ngày xưa xửa hồi mình lớp 1 lớp 2 vẫn còn áp dụng là phân biệt rõ âm “x” với “s”, “ch” với “tr”, “r” với “d” với “gi” thì có lẽ ngày nay chúng ta học Tiếng Anh cũng dễ hơn phần nào, ahihi.

Với nữa, mình cũng thấy việc Dan Hauer làm clip về việc người Việt Nam nói Tiếng Anh mà người bản ngữ nghe không rõ dù người Việt mình nghĩ đó là lỗi rất nhỏ: đó không phải clip dìm hàng hay chơi xấu, đó là sự thật. Ôi, như mình ý, đến nay gần 6 tháng mình vẫn hay mắc lỗi phát âm từ “use”, thay vì /juz/ mình hay đọc thành /ju/, thầy cô dằn mặt luôn là mình nói sai lắm thế.

Thứ tư, ngữ pháp rất quan trọng. Phải có lý thuyết mới có cái thực hành nhé. Dù trong giao tiếp hàng ngày, ngay cả người bản ngữ cũng nói sai ngữ pháp cơ bản nhiều nhưng đó là những lỗi nhỏ thôi, nghe vẫn hiểu được. Còn muốn nói câu dài ý mà, thì phải học ngữ pháp tốt các bạn nhé.

Hãy liên lệ Quỳnh Trang để được học Ngữ pháp nếu bạn có nhu cầu. Bạn này dạy Ngữ pháp hay lắm nè.

5. Những điều ngoài lề

Mình xin điểm 1 vài ý chính:

5.1. Bên này 99.99% là người có Đạo nên phá thai là illegal (phạm pháp), ngay cả khi bạn muốn ngăn chặn sự hình thành phôi thai cũng là điều tối kị. Vì vậy, mua thuốc tránh thai khẩn cấp rất khó nhé. Đi học xa, không ai quản lí, lại có thể bị ảnh hưởng bởi bạn bè xung quanh, chưa chắc mình điều khiển được hành vi của mình tốt nên tốt nhất là các bạn nên tự chuẩn bị tốt. Mình rất nghiêm túc, và đây là điều mình nghe được biết được và muốn chia sẻ cho các bạn. Dù có 1% có thể xảy ra thì cũng là có con số hiện hữu, chuẩn bị sẵn vẫn hơn.

5.2. Tốt nhất là các bạn nên dự trữ tiền mặt bằng tiền đô, qua đây đổi qua tiền địa phương cũng được, không bị mất giá hay chênh giá so với đổi tiền trước ở Việt Nam đâu. Rút tiền từ thẻ ra bao giờ cũng tốn kém mà, phí charge ngân hàng và phí rút tiền cũng tổng cộng lên đến 8 – 9% đó, sót ruột lắm.

5.3. Mạng mẽo wifi bên này hơn kém lại đắt đỏ. Chính ra cứ “tùy tiện” như ở Việt Nam lại vừa tiện và khỏe. Chính vì vậy mình mới góp tiền xây các quán cà phê cho Cebu để ra đó dùng wifi cho mạnh là vậy đấy.

Mình xin dừng bài tại đây. Viết mệt quá không biết kết bài sao cho hay cho đẹp. Mục đích chính vẫn là hi vọng những thông tin trên sẽ có ích cho các bạn. Nhé!

Nguồn: Cao Thị Hải Yến – Trường CELLA

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s