Vậy là còn một ngày nữa là kết thúc kì thi tốt nghiệp cấp 3. Qua kì thi này, hẳn sẽ có những bạn nhẹ nhõm vì làm bài tốt cũng như ngược lại sẽ có những bạn làm bài không được tốt lắm. Vấn đề “trượt tốt nghiệp nên làm gì?” đã tốn không biết bao nhiêu là giấy mực. Vậy trượt tốt nghiệp nên làm gì?

Tuy là một vấn đề không mới nhưng ở những giai đoạn khác nhau người ta thường có những cách giải quyết không giống nhau.

Nếu như cách đây mấy năm, thì việc rớt tốt nghiệp đồng nghĩa với việc bạn không được dự thi đại học và cũng không có bất cứ trường nào nhận bạn vào học trừ những trường nghề bậc thấp. Vì vậy, không còn cách nào khác là bạn phải luyện thi lại tốt nghiệp năm sau mà thôi. Đến cả đi làm công nhân lúc đó cũng yêu cầu ít nhất cũng phải tốt nghiệp cấp 3. Vậy nên tốt nghiệp cấp 3 là bằng cấp đầu tiên mà nhiều người nghĩ cần phải có cho bằng được, nó là chiếc thẻ lưu hành cho bạn bước vào xã hội sau khi học xong cấp 3.
Hiện tại, việc trượt tốt nghiệp cấp 3 không còn đáng sợ như ngày trước, buồn thì vẫn buồn đấy nhưng đồng thời bên cạnh đó cũng có nhiều con đường để lựa chọn hơn. Các bạn có thể lựa chọn học những ngành nghề mà mình yêu thích. Hiện giờ có nhiều trường áp dụng hình thức liên thông nên các bạn có thể lựa chọn theo học. Bên cạnh đó cũng có nhiều ngành dịch vụ cũng không đòi hỏi trình độ đầu vào cao như là: nhà hàng – khách sạn, đầu bếp … các bạn cũng có thể theo học các trường chuyên về các lĩnh vực này. Nếu như yêu thích thì việc chọn trường nghề cũng không phải là một lựa chọn sai lầm. Có nhiều bạn học nghề song song với việc học ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Nhật mà sau khi tốt nghiệp trường nghề tìm được một công việc ưng ý và có thu nhập cao.

Bên cạnh đó cũng có không ít các bạn muốn đăng ký vào các chương trình dự bị đại học nước ngoài. Những trường này thường thì không cần đòi hỏi tốt nghiệp cấp 3 nhưng bạn phải đáp ứng đủ điều kiện như điểm TOEFL, TOEIC, IELTS … cộng thêm một số điều kiện khác. Và có rất nhiều bạn đã thành công trong việc chọn lựa này. Các bạn ấy nỗ lực học tiếng Anh cũng như trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho việc du học nước ngoài. Nói như vậy để thấy, nếu có nỗ lực thì việc trượt đó không là gì cả. Bạn có thể xây dựng lại từ đầu và vẫn bắt kịp các bạn khác.

Nhiều lúc, trượt tốt nghiệp cũng là một bước ngoặc làm nên một con người khác trong bạn. Cũng có rất nhiều tấm gương trượt tốt nghiệp, đại học mà vẫn thành công đấy thôi. Ở giai đoạn này cái quan trọng nhất không phải là việc trượt hay đỗ nữa mà cái quan trọng nhất ở đây là xác định được hướng đi đúng đắn. Cái tầm nhìn xa của một con người. Nếu bạn định hướng đúng thì bạn sẽ đi tới đích bằng cách này hay cách khác mà thôi! Để là một người thành công phải dám đi tiên phong và quyết đoán, theo đuổi tới cùng mục đích mà mình đã đề ra. Đó là kim chỉ nam cho mọi thành công trong cuộc sống. Vì vậy, cứ xem trượt tốt nghiệp là một cú vấp và trong cuộc đời thì cần nhiều cú vấp như vậy để rèn cho con người chúng ta lớn lên thêm.
Đọc thêm:
Con đường tôi đi … thực hiện ước mơ!
Khoá đảm bảo điểm TOEFL, TOEIC, IELTS 4.5 ~ 6.5